Nền tảng ứng dụng chơi xổ số trực tuyến

Giáo dục đặc biệt: Cần những giáo viên có tâm, có tầm!
 
So với một nhà giáo bình thường, giáo viên giáo dục đặc biệt phải đối mặt với vất vả và nỗ lực hơn rất nhiều. Bởi lẽ, phương pháp giáo dục này dành cho những trẻ khiếm khuyết về trí tuệ, tinh thần, khuyết tật nghe nói và vận động…

Đời sống gia đình có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ, nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, người sáng lập cơ sở giáo dục độc lập chuyên hỗ trợ giáo dục trẻ có rối loạn phát triển: Trẻ tự kỉ, chậm ngôn ngữ, tăng động, giảm chú ý thuộc Trung tâm giáo dục Khai Tâm về những khó khăn, thử thách và vui buồn trong quá trình chăm sóc trẻ đặc biệt.

Là một chuyên gia tâm lý đồng thời cũng là thầy giáo tham gia vào công tác giảng dạy, giáo dục đặc biệt cho trẻ em có các rối loạn phát triển, xuất phát từ đâu ông thực hiện công việc này?

Tôi được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tâm lý học, những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành giúp tôi tìm hiểu và ứng dụng rất nhiều vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Tôi quan tâm sâu đến các vấn đề giáo dục, hôn nhân, gia đình, trẻ em và tâm bệnh học. Một chuỗi các vấn đề có liên quan chặt chẽ đến nhau và ảnh hưởng rất lớn đến nhau. Đặc biệt là mô hình giáo dục (gia đình – nhà trường) có liên quan đến trẻ em và hậu quả của nó dẫn đến tâm bệnh trẻ em… trong đó có sự xuất hiện nhiều vấn đề rối loạn trong phát triển của trẻ.

Thực tế, khi cha mẹ có ý định sinh con đã cần phải chuẩn bị rất nhiều các điều kiện đầy đủ và cần thiết cho việc sinh con như: Tâm thế sẵn sàng để tránh sinh con ngoài ý muốn, chế độ dinh dưỡng, vấn đề kinh tế, sức khỏe và sàng lọc bệnh lý, thai giáo để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ từ trong bụng mẹ đến sau khi sinh. Bởi mỗi tác nhân trong quá trình thai nghén và sinh trưởng có thể ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, trong đó có mức độ rối loạn phát triển của trẻ.

Giáo dục đặc biệt: Cần những giáo viên có tâm, có tầm! - ảnh 1

Nhà giáo dục, Tiến sĩ Mã Ngọc Thể.

Vì “yêu quý trẻ”, tôi đã lựa chọn nghề nhà giáo, chuyên gia giáo dục. Tôi thực hiện các hoạt động hỗ trợ tâm lý, tham vấn, trị liệu cho các gia đình có con bị rối loạn phát triển và nhận thấy nhu cầu tham vấn trị liệu cho trẻ em ở xã hội càng ngày tăng cao, số lượng trẻ em có rối loạn phát triển càng nhiều hơn. Do đó, tôi xây dựng mô hình tham vấn cung cấp dịch vụ xã hội thông qua mở trung tâm nhằm đưa các kiến thức, kỹ năng và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào các hoạt động giáo dục đặc biệt, tăng cường khả năng phục hồi, phát triển ngôn ngữ, cải thiện rối loạn hành vi, giao tiếp ứng xử và thúc đẩy các năng lực tiềm ẩn trong trẻ để giúp trẻ hòa nhập tốt hơn trong đời sống gia đình và xã hội.

Theo ông, chăm sóc, giáo dục đối tượng trẻ em rối loạn phát triển, các thầy cô giáo cần những yếu tố gì?

Muốn làm việc với trẻ và giúp trẻ cải thiện, tiến bộ hơn, trước hết các thầy cô phải có tình yêu thương vô bờ với trẻ, dám hy sinh, chấp nhận các thử thách khó khăn trong nghề nghiệp và xác định cho mình một lý tưởng gắn bó nghề nghiệp lâu dài. Cùng với đó, thầy cô giáo không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm và sắp xếp thời gian hợp lý để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc, quý trọng người khác và biết yêu thương bản thân hơn sau mỗi ngày làm việc. Mỗi thầy cô giáo xác định được mục tiêu cuộc đời và nghề nghiệp cũng như các vấn đề nêu trên sẽ tự giảm áp lực và có nhiều động lực để làm việc, phát triển bản thân, đem lại cho đời những cống hiến có ý nghĩa, nhiều giá trị tốt đẹp.

Còn những khó khăn, thử thách như thế nào, thưa ông?

Để trở thành nhà giáo dục cho đối tượng trẻ đặc biệt cần có kiến thức chuyên sâu và đào tạo bài bản từ trình độ đại học trở nên. Các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, phương pháp giáo dục và dạy học chuyên sâu được các thầy cô học tập tại trường đại học sẽ là nền tảng cho việc triển khai, giáo dục cho trẻ. Điều này chưa thực sự đầy đủ bởi vì trẻ em phát triển bình thường được ví như tờ giấy trắng, còn trẻ em có rối loạn phát triển là những trẻ mắc hội chứng rối loạn lan tỏa do các chức năng về tâm lý, nhận thức, vận động… không được não bộ điều khiển một cách đồng bộ dẫn đến trẻ gặp nhiều hạn chế, khó khăn cản trở sự phát triển về tâm sinh lý… Như vậy các giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách về đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn, áp lực tâm lý do dạy trẻ đặc biệt tạo ra và có nguy cơ stress nhiều hơn. Họ phải rất yêu trẻ mới gắn bó với nhóm trẻ này, nhưng đãi ngộ hiện nay còn chưa xứng đáng…

Thế nhưng, chúng tôi vẫn có những niềm vui khi đến trường mỗi ngày. Đó là được thấy các bé biết thêm, làm thêm được một kỹ năng nào đó, nói được một từ, cảm nhận được sự yêu quý của trẻ dành cho mình thông qua nụ cười, ánh mắt… Có thể nói rằng, dù rối loạn phát triển thế nào, trẻ cũng cảm nhận được tình cảm của giáo viên dành cho mình. Thế nên, khi giáo viên cho đi năng lượng tích cực, gửi vào trẻ tinh thần yêu thương thì năng lượng tâm lý và hoạt động của trẻ cũng sẽ dần dần ổn định và phát triển ở giới hạn nào đó.

Đó là những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ khi can thiệp sau 3 tháng, 6 tháng, 1 năm thì đã nói được từ tròn vành, rõ tiếng. Đó còn là hình ảnh những người mẹ vỡ oà hạnh phúc sau nhiều năm vất vả, đôn đáo chạy đi khắp nơi để “chữa, trị” cho con nay được nghe con gọi “mẹ ơi!” hai tiếng thiêng liêng… Với chúng tôi, niềm vui, hạnh phúc ấy đã xoá tan đi nỗi vất vả, cực nhọc trong quá trình chăm sóc, giáo dục và điều trị cho trẻ mỗi ngày.

 Ở nhiều trẻ khuyết tật có tiềm ẩn những tài năng nào đó. Cha mẹ, thầy cô giáo cần làm gì để phát hiện và giúp trẻ phát huy tài năng của mình?

Để phát hiện được tiềm năng đặc biệt ở trẻ, mỗi thầy cô giáo, cha mẹ cần có sự quan sát và ghi chép lại các hành vi, biểu cảm, nhận thức của trẻ hằng ngày để nhận ra sự khác biệt của trẻ. Chú ý khuyến khích trẻ thể hiện và hướng dẫn cho trẻ thực hiện được nhu cầu mà con đặc biệt quan tâm. Song song với đó, cần có chuyên gia đủ thẩm quyền và năng lực chuyên môn đánh giá theo các tiêu chí phát triển của trẻ và đưa ra được phương pháp giáo dục đặc biệt riêng cho trẻ đó.

Tài năng của trẻ là tiềm ẩn, khi cảm nhận được trẻ bộc lộ ra tố chất đặc biệt, gia đình cần tham vấn của các chuyên gia tâm lý để đánh giá, tham vấn cho bố mẹ về vấn đề của con và lựa chọn phương án phù hợp như đưa con đến môi trường giáo dục năng khiếu, tập luyện và rèn luyện khả năng đặc biệt, giúp con phát huy được tố chất và tiềm năng sáng tạo.

Giáo dục đặc biệt: Cần những giáo viên có tâm, có tầm! - ảnh 2

Các giáo viên hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển ở Trung tâm Khai Tâm 

Ông trăn trở điều gì trong quá trình công tác?

Đối với gia đình có con bị rối loạn phát triển, thực sự, chi phí để học can thiệp, giáo dục đặc biệt quá lớn so với khả năng kinh tế của nhiều gia đình. Nhiều gia đình không có tiền đã phải cho con nghỉ học gián đoạn, thậm chí cho con nghỉ học hoàn toàn. Như vậy, nếu trẻ không được can thiệp y học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt kịp thời thì trẻ sẽ mất nhiều cơ hội trong phát triển bản thân ở tương lai.

Tôi mong rằng, các gia đình có trẻ rối loạn phát triển sẽ được hỗ trợ giảm thiểu chi phí thông qua hình thức miễn phí bảo hiểm y tế về can thiệp phục hồi chức năng sinh học và tâm lý, tâm thần cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vì hiện nay, kinh phí khám chữa bệnh miễn phí chỉ dành cho trẻ dưới 6 tuổi, trong khi đó trẻ 7 tuổi trở nên có rối loạn phát triển khi khám chữa bệnh, phục hồi chức năng gia đình phải chi trả kinh phí cao hơn. Do đó, nếu có được nhiều dự án từ Chính phủ và phi Chính phủ hỗ trợ thường xuyên các hoạt động như trả lương, bảo hiểm xã hội, cơ sở vật chất cho các trung tâm can thiệp, giáo dục đặc biệt thì áp lực kinh phí sẽ giảm cho các gia đình khi các trung tâm điều phối được các nguồn kinh phí thu từ các gia đình.

Không những thế, có nhiều gia đình, do tâm lý lo lắng, không sắp xếp thời gian dành cho con, không dạy thêm con ở nhà, không cho con đi ra ngoài vui chơi… và phó mặc con cho các trung tâm giáo dục cả ngày để có thời gian cho việc gia đình và cá nhân. Tôi mong rằng các phụ huynh hợp tác với các trung tâm, cơ sở giáo dục đặc biệt trong việc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân về chăm sóc, giáo dục và dạy học cho con ở nhà. Có như thế, kết quả dạy cho con ở trung tâm, cơ sở giáo dục mới được củng cố và phát triển, tiến bộ đồng đều.

Bên cạnh đó, mức lương trả cho giáo viên giáo dục đặc biệt còn thấp, chưa tương xứng với công sức làm việc, thời gian dạy trẻ nhiều hơn, đa dạng và phức tạp hơn so với giáo viên các cấp ở phổ thông. Do đó, tôi đề xuất chế độ đặc biệt cho nhóm giáo viên này, để họ thực sự yên tâm gắn bó với nghề.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin kính chúc các thầy cô giáo có một sức khỏe dồi dào, luôn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ để tạo lập cuộc sống hạnh phúc, đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cống hiến cho xã hội và sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ!

baophunuthudo.vn